*gmc *GMT


Đường huyết dễ tăng vào mùa đông: Lời khuyên dành cho người bệnh tiểu đường

21/12/2023

Từ việc bỏ bữa sáng, căng thẳng đến không ngủ đủ giấc, tất cả đều có thể khiến đường huyết tăng cao. Người bệnh tiểu đường có thể nhận thấy đường huyết tăng đột biến khi trời lạnh hơn.

Duy trì lượng đường trong máu ở mức mục tiêu là điều bắt buộc để tránh các vấn đề về sức khỏe, theo trang tin Health Shots.

Sau đây, bác sĩ Tushar Tayal, chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện CK Birla, thành viên Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, đưa ra những lời khuyên để bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết trong mùa đông.

Đường huyết dễ tăng vào mùa đông: Lời khuyên dành cho người bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Trời lạnh, người bệnh tiểu đường dễ tăng đường huyết hơn

Shutterstock

Tại sao mức đường huyết tăng vào mùa đông?

Có một số lý do khiến đường huyết có thể tăng khi nhiệt độ giảm.

1. Giảm hoạt động. Mọi người có xu hướng ít hoạt động hơn trong những ngày lạnh. Từ đó dẫn đến nhu cầu glucose thấp hơn, có thể khiến mức đường huyết tăng lên.

2. Thay đổi nội tiết tố. Thời tiết lạnh làm tăng giải phóng các hoóc môn gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Những hoóc môn này ảnh hưởng đến việc điều hòa insulin, làm giảm khả năng hấp thụ glucose từ máu của cơ thể. Từ đó dẫn đến tăng đường huyết, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiểu đường.

3. Tăng lượng calo nạp vào. Trong mùa đông, mọi người thường thèm ăn nhiều chất đường bột (carbs). Điều này cũng có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

4. Cảm cúm do lạnh. Mùa đông là mùa của cảm cúm. Khi bị bệnh, cơ thể giải phóng các hoóc môn gây viêm, cản trở việc sản xuất insulin và hấp thu glucose. Điều này có thể khiến việc quản lý lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn.

Mẹo để kiểm soát đường huyết vào mùa đông

Người bệnh tiểu đường cần thực hiện một số biện pháp sau:

1. Giữ ấm. Tiếp xúc với thời tiết quá lạnh sẽ khiến cơ thể giải phóng các hoóc môn gây căng thẳng, làm tăng lượng đường. Vì vậy, hãy giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm.

2. Tiêm phòng cúm hằng năm. Bị cảm cúm có thể khiến bệnh nhân tiểu đường khó quản lý lượng đường trong máu. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường nên tiêm phòng cúm để giảm nguy cơ mắc cảm cúm.

3. Quản lý căng thẳng. Mùa đông làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm, dẫn đến thiếu chăm sóc bản thân và lượng đường trong máu thất thường. Tiến sĩ Tayal gợi ý tập thở sâu và yoga, giữ tinh thần luôn vui vẻ và tích cực hoạt động xã hội.

4. Ăn nhiều carbs phức và protein. Mọi người có xu hướng ăn nhiều thực phẩm hơn trong mùa đông, đặc biệt là thực phẩm giàu carbs tinh chế như đường. Vì vậy, bí quyết là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với carbs phức như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, các loại đậu, rau, súp và tăng lượng protein.

5. Kiểm soát khẩu phần ăn. Thỉnh thoảng có thể thưởng thức các loại thực phẩm giàu chất béo, nhưng phải đảm bảo hạn chế đường và đồ ăn vặt để không ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu.

Đường huyết dễ tăng vào mùa đông: Lời khuyên dành cho người bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

Có thể tập các bài tập trong nhà như yoga hoặc zumba

Shutterstock

6. Tập thể dục thường xuyên. Mọi người có xu hướng lười tập thể dục trong mùa đông, nhưng đừng bỏ tập, đặc biệt nếu bạn là bệnh nhân tiểu đường. Có thể tập các bài tập trong nhà như yoga hoặc zumba. Không tập khi bụng đói vì có thể gây hạ đường huyết. Có thể ăn một số loại hạt hoặc trái cây trước khi tập.

7. Giữ nước. Mọi người có xu hướng uống ít nước vào mùa đông. Thiếu nước ảnh hưởng tiêu cực đến người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, cố gắng đặt mục tiêu uống đủ nước, tức 7 - 8 ly mỗi ngày. Tránh uống quá nhiều trà và cà phê.

8. Kiểm tra đường huyết thường xuyên. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn để có thể điều chỉnh insulin và chế độ ăn uống nếu cần thiết, theo Health Shots.